Yoga được rất nhiều người thường xuyên luyện tập như một cách để duy trì sự dẻo dai của cơ thể và cải thiện sức khỏe thân – tâm – trí. Vậy yoga là gì? Nguồn gốc ra đời từ đâu? Hiện nay có bao nhiêu loại hình yoga? Lợi ích của môn thể dục này với sức khỏe thể chất và tinh thần như thế nào? Đó là những nội dung chính của bài viết dưới đây.
Yoga là gì?
Từ yoga được phiên âm từ tiếng Phạn (yuj) có nghĩa là sự điều ngự, chuyên chú, tập trung. Cụ thể ở đây là sự kết hợp của các tư thế, kỹ thuật, hơi thở và ngồi thiền. Chính từ ý nghĩa gốc này mà các bậc thầy yogi đã kế thừa, sáng tạo và phát triển ra những tư thế, bài tập này đem lại những lợi ích tuyệt vời đối với sức khỏe con người.
Bộ môn yoga nguyên thủy có nguồn gốc từ đất nước Ấn Độ, xuất hiện cách ngày nay khoảng 5000 năm. Cho tới nay, cùng với những giá trị và lợi ích của bộ môn này mang lại mà ngày càng có nhiều người theo học, thực hành và luyện tập các bài tập mỗi ngày.
Các loại yoga trên thế giới hiện nay
Hiện nay, trải qua một quãng thời gian dài, yoga đã phát triển, kế thừa và chia thành những loại hình khác nhau. Tất cả các loại hình này đều tập trung khai phá sức mạnh thể chất, nội tâm, tinh thần của con người. Giúp con người gắn kết, kết nối bên trong, bên ngoài một cách hoàn hảo nhất. Các loại hình yoga hiện nay gồm:
Hatha Yoga
Đây là loại hình yoga rất phổ biến hiện nay, loại hình này kết hợp từ hai yếu tố căn bản là kỹ thuật thở và tư thế. Người tập có thể thực hiện các bài tập của Hatha với nhiều tư thế khác nhau như đứng, nằm, ngồi hay ngay cả khi đang làm việc. Kiểm soát hơi thở và thư giãn, giữ tư thế và tập trung vào bên trong đó chính là Hatha Yoga.
Ashtanga Yoga
Với loại hình này, người tập đòi hỏi sự tập trung vào bài tập và cường độ tập luyện chuyên chú hơn. Bạn sẽ phải thực hiện các động tác và điều hòa hơi thở bằng cả cơ thể của mình với các bài tập liên tục.
Iyengar Yoga
Iyengar được các yogi đánh giá là phù hợp nhất với những ai đang muốn bắt đầu. Phương pháp này gồm những động tác đơn giản, chậm và chi tiết. Người tập có thể sử dụng những phương tiện hỗ trợ như gối, thắt lưng, dây,..để điều chỉnh động tác cho chuẩn xác.
Sivananda Yoga
Sivananda là tổng hợp của 5 nguyên tắc cốt lõi: Thở đúng cách, thư giãn đúng, tập tập đúng, chế độ ăn uống, tư duy tích cực và thiền định.
Bikram Yoga (yoga nóng)
Bikram Yoga là một hệ thống những bài tập trong môi trường phòng tập nóng có thể lên tới 40 độ. Vì thế, người tập cần xin lời khuyên từ bác sỹ trước khi theo đuổi những bài tập này.
Kundalini Yoga
Bộ môn này tập trung sâu sắc vào hơi thở, tụng kinh và thiền định. Vì vậy loại hình này thiên về tập luyện cho tinh thần, giúp giải phóng năng lượng tiêu cực và con người sống tích cực hơn trong cuộc sống.
Power Yoga
Power Yoga được các yogi đánh giá là những bài tập khó bởi sự kết hợp nhịp nhàng giữa thể dục nhịp điệu và yoga. Người tập sẽ phải thực hiện những tư thế khó và phối hợp nhịp nhàng với hơi thở.
Lợi ích tuyệt vời của yoga đối với sức khỏe?
Yoga giúp duy trì sự linh hoạt, dẻo dai và tăng cường thể lực cũng như sự đồng điệu giữa các bài tập với khả năng giữ sự thăng bằng của bạn. Yoga mang tới một cơ thể khỏe mạnh, tâm hồn tươi trẻ và nguồn năng lượng dồi dào nhờ cải thiện lưu thông máu, ổn định huyết áp, giảm đau, viêm, cải thiện tâm trí. Từ đó giúp con người ăn ngon, ngủ ngon, loại bỏ trầm cảm, mệt mỏi, trẻ lâu và sống hạnh phúc hơn.
Tuy nhiên, để có thể tập luyện yoga và tìm loại hình phù hợp với mình, bạn cần phải có sự tư vấn của những HLV yoga. Nếu như tập không đúng động tác hoặc chọn sai bài tập sẽ phản tác dụng với cơ thể của bạn.
8 bước tập trong yoga
Quá trình tập yoga, dù ở loại hình nào thì những người tập cũng sẽ được hướng dẫn bài bản và trải qua 8 bước tập từ thấp tới cao. Bao gồm:
Bước 1: Yama (chế giới)
Yama là bước đầu tiên và vô cùng quan trọng đối với các yogi trong tương lai. Người tập cần phải kiểm soát và điều chế tất cả những hành động, lời nói, suy nghĩ của mình trước các yếu tố bên ngoài.
Bước 2: Niyama (nội chế)
Ở bước này, người tập cần tu dưỡng tâm, thức và sự thanh tịnh trong tâm hồn. Cùng với đó là sự thanh tịnh, thân, khẩu, ý thanh tịnh nhằm khai thác giá trị nội lực bên trong bạn.
Bước 3: Asana (điều thân)
Đây là bước Yoga giúp con người có được sự ổn định và thoải mái. Từ đó mang tới sự vững chắc, điềm tĩnh trong thân – tâm và trí.
Bước 4: Prāṇāyāma (điều khí)
Ở bước này, học viên sẽ được rèn luyện điều hòa hơi thở vào, ra, điều khí và lắng nghe sự ra, vào của hơi thở. Thông qua bước điều khí, tâm thức được thả lỏng, tập trung và lắng nghe hơi thở từ thẳm sâu bên trong.
Bước 5: Pratyāhāra (điều tâm)
Rèn luyện bước Yoga này giúp bạn luôn làm chủ được tâm thức của mình. Làm chủ các giác quan của cơ thể và điều tâm chỉ đạt được kết quả viên mãn khi con người làm chủ được tâm thức của mình.
Bước 6: Dhāraṇa (chấp trì)
Chấp trì chính là sự chuyên tâm, đưa cơ thể tập trung vào một việc nhất định. Có nghĩa là tập trung vào một nhiệm vụ nào đó và không bị chi phối bởi những yếu tố xung quanh.
Bước 7: Dhyāna (thiền)
Thiền định là cảnh giới cao của sự tập trung tuyệt đối. Khi thiền định, tâm thức bất động và không có bất kì hoạt động tâm thức hay yếu tố bên ngoài nào có thể quấy nhiễu được.
Bước 8: Samādhi (tam-ma-địa)
Đây là bước thực hành cao nhất, đó chính là đạt tới cảnh giới cao của thiền định. Khi tâm thức của con người có thể hòa nhập vào tâm thức của vũ trụ, con người đạt tới trình độ đắc đạo.
Trả lời những thắc mắc của người tập
Trong quá trình tập yoga, có rất nhiều người không khỏi thắc mắc về lợi ích đối với sức khỏe. Quá trình tập luyện, kết quả,… Dưới đây là những câu hỏi được nhiều người quan tâm nhất.
Tập yoga có giúp giảm cân không?
Câu trả lời là có nếu như bạn tập đúng động tác, đúng bài tập và duy trì cường dộ tập thường xuyên. Bởi vì tập yoga khiến cho cơ thể được kéo căng, vận động khá nhiều và đốt cháy nhiều calo, từ đó giúp giảm cân hiệu quả.
Nên chọn loại hình nào thì phù hợp?
Để chọn được loại hình yoga phù hợp với mình, đầu tiên bạn cần trả lời câu hỏi: Mục đích tập môn này của bạn là gì? Giảm cân, duy trì sức khỏe, sự dẻo dai, hay thư giãn, giúp trẻ lâu?… Với một câu trả lời cụ thể, bạn sẽ tìm được cho mình loại hình tập luyện phù hợp.
Làm sao để giữ an toàn khi tập các bài tập yoga?
Để đảm bảo sự an toàn và tránh chấn thương, đầu tiên bạn cần thực hiện các bài khởi động kỹ càng. Sau đó là chọn trang phục co giãn thoải mái và bó sát gọn gàng. Sử dụng thảm tập để tăng sự ma sát khi tập và tập đúng các động tác.
Khi tập, không nên tập quá sức, cố tập, tập không nghỉ ngơi,… Nếu như bạn mới tập, nên có sự đồng hành cùng HLV để đảm bảo an toàn cũng như hướng dẫn tập đúng động tác.
Có thể bạn quan tâm:
- Thể dục nhịp điệu – Cách khởi động, lợi ích khi tập thể dục
- Bóng rổ và những lợi ích thiết thực cho sức khỏe con người
Nên tập yoga vào lúc nào là tốt nhất?
Thời gian lý tưởng nhất để tập yoga là vào buổi sáng sớm hoặc khi tối muộn. Bạn cần chuẩn bị đầy đủ đồ tập và chọn một không gian yên tĩnh, trong lành, thoáng mát để tập luyện sẽ phát huy hiệu quả cao nhất với sức khỏe.
Kết luận
Yoga là một bộ môn rèn luyện sức khỏe thân, tâm, trí mang lại những giá trị thiết thực cho cuộc sống của con người. Tùy thuộc vào sở thích, mong muốn của bạn mà nên chọn cho mình loại hình tập luyện phù hợp nhất. Hãy giữ cho mình một tinh thần học hỏi, tập luyện cao nhất, chắc chắn bạn sẽ thành công.