Đặc sắc Lễ hội Vật Đuổi giải duy nhất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Hằng năm, cứ vào mùng 6-7 tháng Giêng, đông đảo nhân dân, du khách thập phương lại nô nức tìm về Đình Vĩnh Mộ (xã Cao Xá, huyện Lâm Thao) để dự lễ hội Vật Đuổi giải.

Đây là lễ hội đặc sắc và duy nhất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có tên “Hội Vật”chứ không phải tên địa danh như các lễ hội khác. Bên cạnh đó, hội Vật đuổi giải ở Vĩnh Mộ có nét đặc biệt khác với tất cả các hội vật trên cả nước. Các hội vật khác đều kết thúc khi trận chung kết phân rõ thắng thua, người thắng cuộc nhận giải nhất kèm phần thưởng của ban tổ chức còn Hội vật Vĩnh Mộ, sau trận chung kết còn có vật đổ giải và đuổi giải.

Lễ hội Vật Đuổi Phú Thọ
Lễ hội Vật Đuổi Phú Thọ

Phú Thọ là vùng Đất Tổ giàu truyền thống lịch sử và văn hóa với kho tàng văn hóa dân gian vô cùng phong phú, đa dạng. Trong đó, lễ hội chiếm vị trí hết sức quan trọng trong đời sống văn hóa tâm linh vùng Đất Tổ. Phần lớn các lễ hội ở Phú Thọ thường gắn với sự kiện lịch sử, tưởng nhớ người có công với nước trong chiến tranh chống giặc ngoại xâm nên các trò vui chơi ở lễ hội thường mang nhiều tính mạnh mẽ của tinh thần thượng võ, trong đó có đấu vật. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có rất nhiều lễ hội có đấu vật trong phần hội tiêu biểu như: Lễ hội Đình Phương Xá (huyện Đoan Hùng); Lễ hội Đền Chu Hưng (huyện Hạ Hòa); Lễ hội Đình Đông (huyện Lâm Thao); Lễ hội Đình Gia Áo (huyện Tam Nông); Lễ hội Đền Năng Yên (huyện Thanh Ba); Lễ hội Đền Vân Luông; Lễ hội Đình Bảo Đà (thành phố Việt Trì)… Trong đó, có một lễ hội rất đặc sắc với tên gọi là Hội Vật Đuổi giải đình Vĩnh Mộ (xã Cao Xá, huyện Lâm Thao). Các cụ từ xa xưa đến nay vẫn truyền tụng bốn câu thơ:

“Mình về đằng ấy mà xa

Thì về Vĩnh Mộ với ta cho gần

Vĩnh Mộ có tục hát Xuân,

Hội vật Đuổi giải đầu tuần tháng Giêng.”

Những câu thơ như lời mời gọi, luôn tồn tại trong tâm trí mỗi người dân quê hương xã Cao Xá nói riêng, huyện Lâm Thao nói chung. Miền quê ấy có Hội Vật Đuổi giải. Từ ngàn đời nay, Hội Vật luôn có sức lôi cuốn trai tráng các xã, các vùng lân cận và du khách thập phương tìm về để đọ tài đua sức.

Trái với môn thi đấu cờ thuộc về “Trí”, môn thi đấu vật lại hoàn toàn thuộc về “Dũng”. Đó là một hoạt động giao đấu vui chơi giải trí theo phong tục cổ truyền. Đấu vật là một hình thức đua tài, đua sức thể hiện tinh thần thượng võ của nam giới. Vật là một bộ môn thể thao rất được ưa chuộng trong giới nông dân Việt Nam thời xưa. Những ngày đầu của mùa Xuân thuở thanh bình hay những buổi hội hè đình đám nơi thôn dã, dân làng thường tổ chức những cuộc vui như hát Xoan, hát Ghẹo, thi nấu cơm, chọi trâu, đá gà, đánh đu, kéo co, bắn nỏ, đấu vật, ném còn v.v… Nhất là đấu vật, mở hội ngày Xuân mà không có thi vật thì sẽ thiếu đi không khí thú vị của những ngày Tết. Trống vật nổi lên là có sức thu hút mọi người, già, trẻ, gái, trai, đủ mọi tầng lớp nô nức đến bao quanh đấu trường; người ta bình luận say sưa, chê khen rành rọt từng thế, từng miếng vật, từng keo vật, từng tác phong của mỗi đô. Bộ môn vật, ngoài ý nghĩa vui chơi giải trí, còn là một môn thể thao hữu ích, giúp thanh niên trong làng thêm cường tráng, thêm nghị lực, lòng dũng cảm, để giữ làng và giữ nước. Đấu vật đã trở thành một tục lệ, một truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam.

Đình Vĩnh Mộ thuộc thôn Vĩnh Mộ (nay đổi tên là thôn Vĩnh Tề) – xã Cao Xá – huyện Lâm Thao. Đình thờ vị Thành Hoàng là Tướng Quốc dưới thời Hùng Duệ Vương. Tên huý của Ngài là Nguyễn Văn Kỳ. Đương thời Ngài giữ chức Dũng Lược Phụ Thiên Tướng Quân. Khi cáo lão, Ngài về đây chiêu dân, lập nên ấp Bình Mạc Sách – tức Thôn Vĩnh Tề ngày nay. Do có công lớn phò Vua hộ quốc và lập nên làng Bình Mạc nên Ngài được phong là Đại Vương Đương Cảnh Thành Hoàng Dũng Lược Phụ Thiên Tướng Quân.

Tương truyền rằng, đương thời Ngài kết giao đời đời là bằng hữu với Ngài Nguyễn Tuấn – Chúa động Ba Vì, sau này là con rể Vua Hùng Vương thứ 18, lấy hiệu là Tản Viên Sơn Thánh, hay còn gọi là Sơn Tinh.

Trong cuộc giao tranh giữa Sơn Tinh với Thuỷ Tinh và trong cuộc chiến tranh Hùng – Thục, quân dân Ngài Kỳ đã cùng với quân của sơn Tinh chiến đấu rất dũng cảm, đã chiến thắng được Thuỷ Tặc và 3 lần dẹp tan được giặc Thục, mang lại bình yên cho đất nước Văn Lang. Những trận chiến vang dội xưa vẫn còn để lại những dấu ấn lịch sử cho tới tận ngày nay trên đồng đất Vĩnh Tề như: Đồng Trận, Đồng Gà, Gò Ván Xôi, Gò Con Ngựa… là những nơi mà Thuỷ Tinh bị đánh tơi bời, phải bỏ cả các lễ vật như ván xôi, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao… để chạy thoát thân.

Để đất nước được bình yên, dân tình không bị rơi vào cảnh binh đao, Sơn Tinh đã trình với Vua Hùng truyền ngôi lại cho người cháu họ là Thục Phán. Sơn Tinh rút về Tản Viên Sơn. Còn ngài Kỳ về xứ này chiêu dân lập ấp, gây dựng nên làng Bình Mạc. Do có công phò vua hộ quốc nên ngài được Vua Hùng ban thưởng trên 100 mẫu công điền. Tuy sống trong cảnh bình yên dân dã, nhưng ngài Kỳ vẫn điều hành dân binh vừa lao động sản xuất, vừa rèn luyện binh mã như thời còn chiến trận. Hàng năm cứ vào mùng 7 tháng giêng là mở hội Vật Đuổi giải. Hội vật diễn ra suốt 5 ngày, từ ngày 7 đến hết ngày 11 tháng giêng. Cả khi ngài Kỳ hóa thần núi Tản, dân Bình Mạc vẫn duy trì lễ hội như ngày ngài Kỳ còn sống. Lễ hội được duy trì hết thế hệ này sang thế hệ khác như để diễn lại các trận chiến của quân dân ngài Kỳ và để tri ân người đã có công khai dân lập ấp, chống giặc ngoại xâm bảo vệ tổ quốc.

Hội Vật Đuổi giải Vĩnh Mộ xưa kia nổi tiếng khắp vùng. Đến ngày hội là dân các vùng nô nức trẩy hội về Vĩnh Mộ, vừa để xem vật, vừa để dự hát Xoan, Ghẹo. Các đô vật ở các lò vật Tứ Xã, Sơn Vi, Tràng Đông, Tràng Nam, Việt Trì, Chính Công – Thanh Lạng – Sơn Tây… đều về Vĩnh Mộ đua tài.

Các cụ già 80 – 90 tuổi trong làng kể rằng: Hàng chục năm trước, cứ vào sáng mồng 6 tết là cả làng nô nức đi tổng vệ sinh đường làng ngõ xóm để lấy đường rước kiệu. Sáng mồng 7 tháng giêng, làng làm lễ mở cửa đình và khai mạc hội Vật Đuổi giải. Dân của tất cả các xóm đều tề chỉnh trong trang phục lễ hội tập trung tại đình Lớn. Các đô vật cũng tập trung đầy đủ. Không khí vô cùng náo nhiệt, tiếng trống, tiếng chiêng rộn rã. Cờ xí rợp sân đình Lớn và cả ở sân đình làng Giang, làng Nguyễn. Đến giờ hoàng đạo, Lý trưởng tuyên bố khai mạc lễ hội. Trống, chiêng nổi lên uy nghi, khởi đầu lễ tế Thành Hoàng, phẩm vật tế Thành Hoàng là khiết sinh (ván sôi, thủ lợn) và bánh trái hoa quả. Lễ tế vừa dứt, các chức sắc trong làng và đội vật vào lễ yết bái Thành Hoàng xin phép được bắt đầu phần hội. Đầu tiên là rước kiệu về làng Giang. Các chức sắc xin rút ít chân nhang của đình Lớn cắm vào bát hương trên kiệu rồi rước về đình làng Giang. Về đến đình làng Giang, việc đầu tiên là lễ tế Thành Hoàng. Lễ tế vừa dứt thì bắt đầu vào vật. Mở đầu là vật tập thể, vật biểu diễn, có tính chất vật trình làng. Tiếp đến là vật loại từng đôi một. Các cuộc vật diễn ra từ ngày 7 đến ngày 9 tháng giêng thì kết thúc. Những đô vật được giải sẽ được tham dự vật đuổi giải ở đình làng Nguyễn.

Sáng ngày 10 tháng giêng, kiệu lại được rước về đình Vàng làng Nguyễn. Bắt đầu cũng là lễ tế Thành Hoàng. Không khí rất rộn rã và hồi hộp vì đây là vật chung kết để giật giải. Hội vật diễn ra trong 2 ngày từ trưa ngày 10 đến chiều ngày 11 tháng Giêng. Ở đây chỉ có một người vuốt giải. Ai thắng thì lại vuốt giải tiếp. Vuốt giải là người thắng cuộc ngồi xếp chân vòng tròn, tay vuốt lên giải hàm ý giữ giải và thách đố ai dám vào vật với mình. Nếu đến chiều 11 tháng giêng mà không có ai vào vật thì người giữ giải vô địch.

Nếu đến chiều 11 tháng giêng mà không có ai vào vật thì người giữ giải vô địch.
Nếu đến chiều 11 tháng giêng mà không có ai vào vật thì người giữ giải vô địch.

Các cụ kể rằng, Hội vật năm 1942 đã xẩy ra trường hợp đô vật người Thanh Lạng thuộc xứ Sơn Tây đã vật thắng suốt 5 ngày, ngồi vuốt giải tưởng như chắc thắng, nhưng bỗng có đô vật tên là Nguyễn Văn Thống người xóm Thanh Hà – thuộc thôn Vĩnh Tề xin vào giật giải. Cuộc đọ sức gay cấn kéo dài, cuối cùng đô vật Thống đã thắng và giật được giải.

Trong những ngày diễn ra hội vật, ở làng Giang cũng như làng Nguyễn, ban ngày thì xem vật không khí rất náo nhiệt, tối đến lại đốt lửa trại và từng tốp, từng tốp nam nữ hát Xoan, Ghẹo cho tới tận đêm khuya. Nam nữ các vùng lân cận cũng kéo về đây tham gia hát. Làng xóm trong các ngày hội rất tưng bừng náo nhiệt.

Hội Vật đuổi giải ở Vĩnh Mộ có nét đặc biệt khác với tất cả các hội vật trên cả nước. Bởi các hội vật khác đều kết thúc khi trận chung kết phân rõ thắng thua, người thắng cuộc nhận giải nhất kèm phần thưởng của ban tổ chức. Còn Hội vật Vĩnh Mộ sau trận chung kết còn có vật đổ giải và cuối cùng là đuổi giải.

Vật đổ giải, là sự thách đố của người được giải nhất sau khi thắng trong trận chung kết. Tuy thắng nhưng chưa nhận giải ngay mà chỉ lên vuốt giải rồi ngồi xếp bằng tròn giữa xới vật chờ đợi xem còn có đô vật nào dám vào thi đấu với mình nữa hay không. Họ sẵn sàng thách đố, nếu ai vật thắng thì nhường giải.

Đuổi giải được diễn ra ngay sau khi thách đố, không có đô vật nào dám vật nữa thì người vô địch giật lấy giải rồi cắm đầu chạy ra khỏi làng. Lúc này dân làng cầm theo giáo mác, gậy gộc trên tay, hò reo, đuổi theo người được giải cho tới khi ra tới đầu làng, người được giải cùng đường, nhảy xuống ao nước thì dân làng mới thôi đuổi. Sau đuổi giải, dân làng lại reo hò, phấn khởi cùng nhau trở về nhà sắp cỗ ăn mừng vì họ tin rằng năm đó làm ăn sẽ thuận lợi, phong đăng hòa cốc, nhân khang vật thịnh, người người ấm no, nhà nhà hạnh phúc. Đuổi giải chính là nét đặc trưng độc nhất vô nhị của hội vật Vĩnh Mộ. Đây cũng là lý do mà hội vật Vĩnh Mộ lại có tên là “Hội Vật Đuổi giải”.

Việc rượt đuổi người đoạt giải ra khỏi làng, đến khi người ấy phải nhảy xuống nước mới thôi đuổi và dân làng reo hò mừng rỡ trở về – hàm ý ca ngợi chiến thắng Thuỷ tặc của quân dân ngài Kỳ, ngoài ra nó còn mang một hàm ý như một cái “hèm” đầu năm. Có đuổi giải thì mới xua được hết những cái rủi ro của năm cũ ra khỏi làng để đón năm mới mọi điều tốt lành, may mắn.

Hội vật đầu xuân của Vĩnh Mộ có ý nghĩa rất lớn. Đó là lễ hội truyền thống để tưởng nhớ tới những trận chiến của quân dân ngài Kỳ trong 2 cuộc kháng chiến, đồng thời để vừa biểu dương tinh thần thượng võ vừa ca ngợi tinh thần yêu nước, ý thức quyết tâm bảo vệ đất nước của nhân dân ta. Lễ hội được khai mạc đúng vào ngày Tết Nguyên Tiêu (khai hạ) còn có ý nghĩa cầu mong cho dân làng sang năm mới được nhân khang, vật thịnh, mưa thuận gió hoà, mùa màng bội thu.

Hội vật đầu xuân của Vĩnh Mộ có ý nghĩa rất lớn
Hội vật đầu xuân của Vĩnh Mộ có ý nghĩa rất lớn

Trong những năm gần đây, thực hiện Quy chế tổ chức lễ hội, Hội Vật Đuổi giải đình Vĩnh Mộ chỉ được tổ chức trong 2 ngày mồng 6 và 7 tháng Giêng. Năm 2021 do ảnh hưởng của đại dịch Covid 19, Hội Vật đuổi giải Đình Vĩnh Mộ chỉ tổ chức phần lễ, không tổ chức phần hội song vẫn đảm bảo sự thành kính, trang nghiêm và thực hiện nghiêm các quy định về phòng dịch.

Lễ hội Vật Đuổi giải Đình Vĩnh Mộ là một trong những di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của Phú Thọ. Việc tổ chức hội vật hàng năm là việc làm thiết thực nhằm góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đất Tổ. Cụm di tích lịch sử Đình, Chùa Vĩnh Mộ gắn với Hội vật Đuổi giải sẽ là điểm du lịch văn hóa tâm linh hấp dẫn của các nhà nghiên cứu và du khách bốn phương trong chương trình “Về miền lễ hội cội nguồn dân tộc Việt Nam”.

 

Những bài viết liên quan

Bài viết gần đây